Việt Nam được đánh giá có tốc độ tăng trưởng cao trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, đứng đầu Đông Nam Á với quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ trong năm 2023 dự kiến đạt 20,5 tỷ USD.
Điểm sáng thương mại điện tử
Báo cáo Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương ngày 20/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, thị trường trong nước vẫn giữ được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu suy giảm, doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới như các nước châu Âu đều tăng chậm.
Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương đạt mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 12,4%; Bình Dương tăng 10,8%; Khánh Hòa tăng 10,7%, theo số liệu cập nhật 11 tháng đầu năm.
Hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giúp ổn định thị trường, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương, nhu cầu mua sắm tăng.
Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ; củng cố liên kết giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc. Hạ tầng thương mại trong nước tiếp tục phát triển, cơ chế, chính sách về phát triển chợ tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn.
“Hoạt động thương mại trong nước là trụ đỡ cho tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Đáng chú ý, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch. Nhiều doanh nghiệp, bao gồm nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao.
Năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm, được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Thương mại điện tử đã khẳng định là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Bộc lộ tác động xấu tới môi trường
Tuy nhiên, liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, tồn tại các hành vi vi phạm như vi phạm quản lý nhà nước về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo Tổng cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ với số tiền phạt 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng.
Kiến nghị về hoạt động thương mại điện tử trong năm 2024, lãnh đạo Cục thương mại điện tử và kinh tế số nhấn mạnh, thời gian tới không chỉ tập trung vào tăng quy mô mà cần hướng tới phát triển xanh, phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, thương mại điện tử cũng cần tăng cường liên kết vùng và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
Tuy TMĐT tăng trưởng nhanh nhưng đã và đang bộc lộ rõ nhiều yếu tố không bền vững, đặc biệt là những tác động xấu tới môi trường. Do đó, Bộ Công Thương mong muốn hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp tối ưu hóa các phương thức vận chuyển, sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện để đóng gói hàng hóa, giảm khí phát thải.
Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Sở Công Thương, các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, tăng cường bảo mật thông tin và an ninh trong giao dịch trực tuyến. Cũng theo lãnh đạo Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương mong muốn sự phối hợp của Bộ Thông tin truyền thông trong việc kịp thời dừng hoạt động các website/nền tảng trực tuyến kinh doanh hàng hoá vi phạm hoặc không phối hợp với các cơ quan chức năng khắc phục vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương mong muốn có sự phối hợp tích cực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở ngành địa phương, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp triển khai hiệu quả hoạt động liên kết vùng trong phát triển TMĐT, nhằm tận dụng lợi thế của mỗi tỉnh về nguồn nguyên liệu, sản phẩm thế mạnh, logistics, vận chuyển trong vùng, dần thu hẹp dần khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền.