Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử thời gian qua đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh này. Ngành Thuế đang nghiên cứu thấu đáo các loại hình phát triển của thương mại điện tử, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất những giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tiễn phục vụ công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế.
Nguồn Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung |
Cần giải pháp quản lý thu thuế thương mại điện tử mạnh mẽ hơn
Tổng cục Thuế vừa tổ chức cuộc họp trao đổi, thảo luận về kế hoạch triển khai thực hiện và đề xuất các giải pháp cụ thể chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT). Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho rằng, chính sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của TMĐT trong thời gian qua cũng đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế, đó là khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, xác định được căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế và việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng.
Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, để tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động TMĐT, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam. Theo đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng, đề xuất, triển khai các giải pháp quản lý thuế trong ngắn hạn và dài hạn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh TMĐT vẫn còn hạn chế. Yêu cầu đặt ra cho cơ quan thuế phải rà soát thực tế quản lý thuế tại các địa phương để đưa ra các giải pháp nhằm quản lý thu thuế với TMĐT mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Trao đổi tại cuộc họp này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho rằng, để thu thuế với TMĐT đạt hiệu quả, các đơn vị chuyên môn cần tập trung trao đổi thống nhất nhận diện đối tượng tham gia kinh doanh TMĐT, từ đó đề xuất giải pháp cụ thể theo từng nhóm đối tượng.
Theo ông Mai Sơn, đối với phương pháp quản lý thuế và cách thức thu thập thông tin thông qua các chủ thể có liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT như chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, các đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán..., cần được đặc biệt lưu ý và nghiên cứu để có giải pháp triển khai phù hợp với thực tiễn vận động của sự phát triển TMĐT trong thời gian tới.
Giao nhiệm vụ nghiên cứu giải pháp chống thất thu thuế hoạt động TMĐT, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu đơn vị chủ trì có báo cáo toàn diện công tác quản lý thuế với TMĐT, trong đó đánh giá kết quả, nhìn nhận lại những vấn đề còn tồn tại và kiến nghị cụ thể các giải pháp quản lý theo từng nhóm đối tượng để chống thất thu thuế TMĐT.
Ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện việc khai thuế, nộp thuế với thu nhập nhận được từ hoạt động kinh doanh TMĐT kết hợp với công khai danh sách người nộp thuế (NNT) nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Đồng thời, cơ quan thuế nghiên cứu áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, trong đó có biện pháp cấm xuất cảnh đối với NNT chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành pháp luật thuế
Để thực hiện tốt công tác quản lý thuế TMĐT, Tổng cục Thuế vừa có công văn đề nghị cục thuế các tỉnh, thành phố trên cả nước đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy định của pháp luật về cung cấp thông tin TMĐT đến toàn bộ NNT, đặc biệt tới các tổ chức là chủ sở hữu sàn TMĐT thuộc địa bàn quản lý; chú trọng tuyên truyền hỗ trợ NNT là hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dịch vụ số thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật.
Cùng đó, Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế tiếp tục rà soát, phối hợp với sở công thương để trao đổi thông tin về các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn sàn thực hiện cung cấp thông tin theo quy định.
Phân nhóm đối tượng theo yêu cầu quản lý để đưa vào danh sách rà soát; hướng dẫn đối tượng rà soát thực hiện các thủ tục đăng ký thuế (đối với trường hợp chưa đăng ký thuế), tự khai, tự nộp thuế theo quy định pháp luật. Trường hợp thông tin khai thác trên cơ sở dữ liệu có chênh lệch so với số tự kê khai của NNT, cơ quan thuế yêu cầu NNT giải trình bằng các hóa đơn, chứng từ, tài liệu hợp pháp (xác nhận thanh toán hoặc tài liệu khác có thông tin về xác nhận doanh thu giữa NNT và sàn TMĐT...) hoặc báo cáo thu nhập sẵn có thể tự in trực tiếp từ hệ thống của sàn TMĐT và NNT cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác.
Đối với trường hợp các cá nhân không hợp tác, không phản hồi thông báo của cơ quan thuế thì thực hiện lựa chọn một số trường hợp điển hình, lập danh sách, báo cáo lãnh đạo cơ quan thuế xây dựng chương trình phối hợp với các sở, ngành địa phương thực hiện việc kiểm tra tại địa bàn để xác định chính xác tình hình thực tế, từ đó đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý theo pháp luật thuế và các pháp luật chuyên ngành.
74 nhà cung cấp nước ngoài đã nộp thuế hơn 8 nghìn tỷ đồng Tổng cục Thuế cho biết, sau 4 kỳ cung cấp thông tin, Cổng thông tin TMĐT ghi nhận 357 sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki… Đến nay, đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) đăng ký, kê khai và nộp thuế. Tổng số thuế các NCCNN đã nộp là 8.096 tỷ đồng, trong đó đã có 6.896 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay. |