Để nắm bắt cơ hội thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý 3 khía cạnh, gồm: đọc được thị hiếu khách hàng bằng các công cụ số hóa; đổi mới sản phẩm phù hợp nhu cầu và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Đây là nội dung nổi bật tại “Hội nghị quốc tế thường niên về xuất khẩu trực tiếp B2B” và Lễ công bố 100 Doanh nghiệp Tiêu Biểu tham gia Gian hàng Quốc gia Việt Nam “Vietnam Pavilion” trên sàn TMĐT Alibaba.com do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Alibaba.com phối hợp tổ chức ngày 6/3.
Quang cảnh hội nghị
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến thành công
Chia sẻ kinh nghiệm giao dịch thương mại B2B và Trade Assurance, Giám đốc Công ty TNHH TT Garment Nguyễn Văn Thông cho hay: “Tôi đã thành lập doanh nghiệp kinh doanh hàng may mặc đúng trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19. Có thời điểm rất khó khăn, tưởng chừng phải phá sản. Tuy nhiên, khi các môi trường xuất khẩu truyền thống không có đủ điều kiện để duy trì, việc tìm kiếm và giao dịch trên Alibaba.com đã mở ra cho doanh nghiệp cánh cửa sống.”
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thông, đến nay, TT Garment đã có những đơn hàng từ châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ… Với dịch vụ Trade Assurance, tiến độ giao dịch diễn ra rất nhanh. Chỉ mất hơn 2 tuần để hoàn tất đơn hàng, gồm 3 ngày giao dịch xác nhận đơn hàng, 15 ngày vận chuyển và 1 ngày giao dịch hoàn tất đơn. Giải pháp này giúp nhà cung cấp lấy được lòng tin từ khách hàng, tăng tốc độ giao dịch và từ đó, tăng độ nhận diện và cơ hội kinh doanh toàn cầu cho doanh nghiệp.
Ban tổ chức trao Chứng nhận doanh nghiệp Tiêu biểu tham gia Gian hàng Quốc gia Việt Nam cho các doanh nghiệp.
Phó Trưởng phòng Chính phủ số, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Vũ cho biết, TMĐT xuyên biên giới đang là xu hướng bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, đây cũng là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp chủ trương phát triển kinh tế số do Chính phủ đề ra.
Theo ông Nguyễn Anh Vũ, thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã đẩy mạnh triển khai các đề án hỗ trợ và đạt hiệu quả với 70% doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam tham gia TMTĐ thông qua cung cấp các cơ hội giao thương cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam trên Cổng thông tin xuất nhập khẩu vietnamexport.com; cung cấp nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam thông qua các hệ sinh thái.
Để giúp doanh nghiệp vượt qua trở ngại, hiện Chính phủ đã có một số chính sách như hỗ trợ 50% chi phí mở gian hàng và duy trì gian hàng theo Nghị định 80/NĐ-CP; kích cầu thương mại điện tử xuyên biên giới theo Quyết định 645 hay đề án đào tạo 5.000 doanh nghiệp có kiến thức và kỹ năng thương mại điện tử xuyên biên giới để tham gia vào các nền tảng phân phối toàn cầu.
Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng kinh doanh quốc tế
Theo báo cáo của hãng tư vấn quản trị doanh nghiệp Access Partnership (Vương Quốc Anh), dù đã ghi nhận nhiều nỗ lực hỗ trợ, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức khi xuất khẩu TMĐT.
Doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ và trao đổi với nhân viên Alibaba.com
Có 88% doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát nhận thức được tầm quan trọng của TMĐT đối với năng lực xuất khẩu của họ, nhưng 80% trong số đó cũng thừa nhận họ thiếu thông tin về các quy định liên quan ở thị trường nước ngoài như các quy định về tính tuân thủ sản phẩm. Những quy định này liên tục thay đổi theo thời gian, theo thị trường. Ngoài ra, còn có những thách thức khác khi vận hành xuất khẩu online như logistics, thanh toán, pháp lý, xây dựng thương hiệu.
Tuy vậy, ghi nhận của Access Partnership cho thấy, doanh nghiệp vẫn muốn nhận thêm nhiều hỗ trợ hơn nữa. Đơn vị này khuyến nghị Việt Nam tham khảo một số đề án hỗ trợ của chính phủ cho người bán từ các quốc gia khác. Đơn cử như "Thí điểm Toàn diện" (CPZ) của Trung Quốc cho thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trong đó, các CPZ của Hàng Châu đã phát triển hai nền tảng, một nền tảng dịch vụ tích hợp trực tuyến và một nền tảng khu công nghiệp ngoại tuyến, cho phép trao đổi thông tin giữa các cơ quan chính phủ dọc theo chuỗi giá trị, bao gồm hải quan, cấp vốn và thuế. Các nền tảng này đã giảm thời gian cần thiết để làm thủ tục thông quan và đơn giản hóa quy trình khai báo xuất khẩu cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Nhiều doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng xuất khẩu trực tuyến, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và làm sao để mở rộng quy mô. Những khó khăn này tập trung vào 4 vấn đề chính gồm: kiến thức, năng lực, quy định và chi phí.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng TMĐT bán lẻ trên 20%/năm, đây là một ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế số của Chính phủ. Do đó, Bộ Công Thương đang hoàn thiện các chính sách xuất khẩu trực tuyến, tìm hiểu các rào cản mà cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải, đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo để giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh quốc tế và đạt được thành công trên quy mô toàn cầu.
Tại sự kiện đã diễn ra lễ công bố 100 doanh nghiệp tiêu biểu được lựa chọn tham gia Gian hàng quốc gia Việt Nam “Vietnam Pavilion” trên sàn TMĐT Alibaba.com. Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam được lựa chọn dựa trên 14 tiêu chí đánh giá, bao gồm chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu, trình độ thương mại điện tử, tiềm năng xuất khẩu, quy mô kinh doanh, phân bố địa lý...