Trong bối cảnh TMĐT toàn cầu phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đối mặt với thách thức từ sự bành trướng của nhà bán lẻ quốc tế, đặc biệt là tổng kho giga Trung Quốc. Điều này khiến cạnh tranh trở nên gay gắt về giá và tốc độ giao hàng, đòi hỏi sự tái định hình chiến lược cho DN TMĐT nội địa.
Sự phát triển của các tổng kho giga tại Trung Quốc
Trung Quốc, được coi là trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới, không ngừng nâng cao và mở rộng mạng lưới hậu cần của mình. Với mục tiêu đặt ra cho các trung tâm phân phối giga là cung cấp dịch vụ giao hàng siêu tốc đạt được chuẩn giao hàng 24 giờ và 12 giờ của ngành TMĐT nội địa Trung Quốc, họ không chỉ tạo ra ảnh hưởng sâu rộng tới thị trường TMĐT trong nước mà còn lan tỏa tới thị trường Việt Nam. Chiến lược "các kho hàng gần người mua nhất, thời gian giao hàng nhanh nhất" không đơn thuần tăng cường khả năng cạnh tranh của các DN Trung Quốc trong nước mà còn mở rộng cánh cửa tiếp cận khách hàng Việt Nam một cách trực tiếp, đồng thời giảm thiểu đáng kể chi phí vận chuyển và thời gian chờ đợi cho việc đặt hàng.
Sự phát triển này ảnh hưởng đáng kể tới các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam theo hai phương diện chính. Một mặt, sự cạnh tranh về giá trở nên gay gắt hơn khi các doanh nghiệp trong nước cố gắng đưa ra mức giá cạnh tranh để đối đầu với giá thành sản phẩm thấp từ các nhà bán hàng Trung Quốc. Mặt khác, sự kỳ vọng ngày càng cao từ phía khách hàng về thời gian giao hàng nhanh chóng tạo ra thách thức cho các DN Việt Nam trong việc quản lý logistics và chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh này, ông Phạm Bảo Trung - Giám đốc kinh doanh của Metric cho rằng đây là cơ hội cho các DN Việt để phát triển."Việc các nhà bán nước ngoài tăng trưởng nhanh chóng tại thị trường TMĐT tại Việt Nam sẽ mang đến hiệu ứng tích cực. Đây là cơ hội để doanh nghiệp nội có động lực để phát triển. Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc chấp nhận thách thức mà còn phải chủ động tìm kiếm giải pháp: từ việc đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa hiệu quả chuỗi cung ứng, khai thác triệt để dữ liệu khách hàng, đến việc mở rộng thị trường và khám phá cơ hội mới trong cuộc đua TMĐT."
Nâng cao sức cạnh tranh cho DN Việt tại chính sân nhà TMĐT
Từ thực tế thị trường TMĐT đầy sôi động và cạnh tranh, nhiều DN Việt đã nhanh chóng thích nghi cũng như tạo dựng được vị thế vững chắc ngay tại sân nhà. Sự thành công của họ không chỉ đến từ việc hoạt động xuất sắc trên các sàn TMĐT mà còn nhờ vào việc chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh linh hoạt, nâng cao hình ảnh thương hiệu trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.
Đặc biệt trong năm 2023, giữa làn sóng cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu nước ngoài, thương hiệu Việt như Vinamilk, ShopDunk đã xuất sắc ghi tên mình vào danh sách top 10 DN có doanh thu cao nhất trên các sàn TMĐT. Trong top 10 doanh nghiệp có sản lượng bán cao nhất, thương hiệu Việt chiếm tới 40%. Điều này cho thấy, bằng việc tận dụng sâu sắc hiểu biết về thị trường nội địa cùng với việc áp dụng chiến lược kinh doanh linh hoạt, đổi mới, các thương hiệu Việt có khả năng không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế của mình trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.
Việc áp dụng Big Data và phân tích dữ liệu thị trường không chỉ là công cụ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu suất kinh doanh mà còn là chìa khóa giúp họ đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời. Theo ông Phạm Bảo Trung - Giám đốc kinh doanh của Metric cho biết: "Phân tích dữ liệu mang lại cho doanh nghiệp bức tranh tổng thể, hỗ trợ đưa ra quyết định kinh doanh chính xác. Qua kinh nghiệm hỗ trợ nhiều thương hiệu trên sàn TMĐT, Metric nhận ra tầm quan trọng của việc phát hiện sớm vấn đề. Metric từng hỗ trợ một DN thời trang phát hiện nguyên nhân sụt giảm doanh số 30% chỉ trong một tuần, qua việc phân tích dữ liệu thị trường và nhận ra sự cạnh tranh từ một nhà phân phối mới với hình ảnh sản phẩm ấn tượng hơn. Phản ứng nhanh chóng, DN đã cải thiện hình ảnh và chương trình khuyến mãi, lấy lại thị phần nhanh chóng."
Rất nhiều DN, nhà phân phối Việt có tăng trưởng cao nhờ ứng dụng phân tích dữ liệu vào vận hành kinh doanh.
Hơn nữa, thành công của các DN Việt không đơn thuần dừng lại ở việc vận hành mạnh mẽ trên các kênh TMĐT mà còn là kết quả của một chiến lược tiếp cận khách hàng đa kênh, từ online đến offline. Điển hình như Cocoon - thương hiệu của Việt Nam, vẫn giữ vững vị trí trong top 10 các thương hiệu có doanh số cao nhất trên Shopee trong ngành hàng làm đẹp, một lĩnh vực cạnh tranh cao. Điều này chứng minh sức mạnh của việc kết hợp hoạt động bán hàng tại điểm với hoạt động online, tạo ra những điểm chạm đa dạng với khách hàng và củng cố hình ảnh thương hiệu một cách mạnh mẽ.
Nhìn chung, qua việc chủ động áp dụng công nghệ và triển khai các chiến lược tiếp thị đa kênh, các DN Việt đã tạo dựng nên những dấu ấn đậm nét trên thị trường TMĐT, vừa tăng cường sức cạnh tranh, vừa nâng cao giá trị thương hiệu của mình trên sân nhà, hướng tới tương lai nhiều cơ hội, thách thức mới.
Để duy trì và tăng lợi thế cạnh tranh, DN Việt cần áp dụng sức mạnh của big data, phân tích và hiểu rõ khách hàng. Khéo léo áp dụng công nghệ này sẽ mở ra cách tiếp cận mới, cá nhân hóa sản phẩm và dịch vụ, giúp các DN Việt không chỉ vững vàng trên thị trường nội địa mà còn vươn xa trên đấu trường quốc tế.